Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018 - 2023

Đăng: 14:50 02-08-2018  |   Tác giả:   |   Nguồn:

(Ban hành kèm theo Quyết định số:162/QĐ-CĐHHVN ngày 26 tháng7 năm 2018 của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam)

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY 
HÀNG HẢI VIỆT NAM
------------------------------
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------
Hà Nội, ngày  26 tháng 7 năm 2018

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY
HÀNG HẢI VIỆT NAM KHÓA V, NHIỆM KỲ 2018 - 2023
 (Ban hành kèm theo Quyết định số:162/QĐ-CĐHHVN ngày 26 tháng7 năm 2018
 của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là Cơ quan kiểm tra của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, do Ban Chấp hành bầu ra và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận.

Điều 2: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và sự chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA UỶ BAN KIỂM TRA

Điều 3: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Điều 4: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có quyền:

1. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, chủ động xây dựng kế hoạch về nội dung, thời gian, đối tượng, hình thức kiểm tra, kết luận kiểm tra và kiến nghị các vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành, các quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

2. Yêu cầu đơn vị và người chịu trách nhiệm của đơn vị được kiểm tra báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra và trả lời những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.

3. Đề xuất các hình thức khen thưởng, kỷ luật những tập thể, cá nhân thuộc ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.

Điều 5: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm:

1. Báo cáo kết quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, chương trình công tác với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty.

2. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới; hướng dẫn, chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các quy định khác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện có vi phạm đã hoặc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng thì phải báo cáo ngay với Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty để có biện pháp xử lý, ngăn ngừa kịp thời.

3. Lưu trữ, quản lý các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật.

Điều 6: Trong quá trình hoạt động, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và trước pháp luật về việc sử dụng con dấu.

Chương III
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CHỦ NHIỆM, PHÓ CHỦ NHIỆM
VÀ CÁC UỶ VIÊN ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY

Điều 7: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty về mọi hoạt động của ủy ban kiểm tra; thay mặt ủy ban kiểm tra tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành các hoạt động ủy ban kiểm tra.

2. Triệu tập, chủ trì các hội nghị ủy ban kiểm tra. Thay mặt ủy ban kiểm tra báo cáo chương trình kế hoạch hoạt động; báo cáo định kỳ, đột xuất về kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

3. Tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.

4. Trực tiếp phụ trách một số công việc cụ thể theo sự phân công của ủy ban kiểm tra.

5. Ký các văn bản của ủy ban kiểm tra thuộc thẩm quyền và những văn bản được Ban Thường vụ ủy quyền theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty.

6. Giải quyết những công việc phát sinh thuộc trách nhiệm của ủy ban kiểm tra giữa hai kỳ họp.

Điều 8: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Giúp Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ủy ban kiểm tra.

2. Trực tiếp phụ trách một số công việc cụ thể theo sự phân công của ủy ban kiểm tra.

3. Thay mặt Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra giải quyết công việc khi Chủ nhiệm đi vắng hoặc những công việc được ủy quyền và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra về các nội dung đã giải quyết.

4. Có các trách nhiệm và quyền hạn khác như Ủy viên Ủy ban Kiểm tra được quy định tại Điều 9 của bản Quy chế này.

Điều 9: Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy viên Ủy ban Kiểm tra:

1. Có trách nhiệm tham gia xây dựng, thông qua dự thảo chương trình, kế hoạch hoạt động của ủy ban kiểm tra trước khi trình Ban Chấp hành phê duyệt. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình công tác đã được Ban Chấp hành phê duyệt.

2. Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của ủy ban kiểm tra, các công việc đột xuất khác và chịu trách nhiệm trước pháp luật, ủy ban kiểm tra về các nhiệm vụ được phân công thực hiện.

3. Tham dự đầy đủ các kỳ họp ủy ban kiểm tra; cùng với ủy ban kiểm tra chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty về các quyết định của ủy ban kiểm tra. Trường hợp không thể dự họp phải báo cáo và gửi ý kiến tham gia đóng góp bằng văn bản vào những nội dung kỳ họp (nếu cần).

4. Được tham dự các hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty và được mời dự Đại hội hoặc Hội nghị đại biểu Công đoàn Tổng công ty. Được cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.

5. Được thay mặt Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty làm việc với các cơ quan, đơn vị khi được ủy quyền.

6. Được tham dự đầy đủ các đợt tập huấn, hội thảo, học tập bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.

7. Được đề nghị Công đoàn Tổng công ty và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét khen thưởng.

Chương IV
NGUYÊN TẮC, CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ
CỦA UBKT CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM

Điều 10: Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách:

1. Trong các kỳ họp ủy ban kiểm tra, mọi ủy viên được dân chủ thảo luận và quyết định các công việc thuộc thẩm quyền ủy ban kiểm tra.

2. Quyết định của ủy ban kiểm tra được thực hiện theo nguyên tắc đa số đồng thuận. Những ý kiến không đồng thuận được quyền bảo lưu và báo cáo với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty nhưng khi thực hiện phải tuyệt đối tuân theo nghị quyết đã thông qua.

3. Trong tổ chức điều hành, chỉ đạo phải thực hiện theo các nội dung công việc đã được tập thể ủy ban kiểm tra thông qua.

4. Các kết luận, nghị quyết của ủy ban kiểm tra chỉ được thực hiện khi có được trên một phần hai (1/2) số ủy viên ủy ban kiểm tra dự họp tán thành.

5. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra trong thời gian giữa hai kỳ họp. Các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước ủy ban kiểm tra về những công việc được phân công phụ trách và thực hiện.

Điều 11: Chế độ làm việc của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty:

1. Hội nghị thường kỳ của ủy ban kiểm tra được tổ chức theo hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty. Hội nghị ủy ban kiểm tra chỉ được thực hiện khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số ủy viên có mặt dự họp. Hội nghị thường kỳ Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty có nhiệm vụ:

- Thảo luận báo cáo, chương trình hoạt động của ủy ban kiểm tra để trình Ban Chấp hành.

- Thảo luận những vấn đề liên quan đến tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền ủy ban kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên ủy ban kiểm tra; kiến nghị, đề xuất với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ những nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo, công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo …

2. Hội nghị bất thường của ủy ban kiểm tra chỉ thực hiện khi có yêu cầu của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra hoặc có ít nhất hai phần ba (2/3) số ủy viên ủy ban kiểm tra đề nghị họp để bàn bạc, xem xét, xử lý những nội dung cụ thể.

3. Chỉ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra hoặc người được uỷ quyền mới có trách nhiệm và quyền thay mặt ủy ban kiểm tra báo cáo hoạt động và đề xuất chương trình công tác của ủy ban kiểm tra với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty trong các kỳ họp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành.

4. Giữa hai kỳ họp của ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên thường trực, Văn phòng Ủy ban Kiểm tra được ủy quyền tổ chức chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra đã được Ban Chấp hành thông qua; giải quyết các công việc phát sinh thuộc trách nhiệm của ủy ban kiểm tra; chuẩn bị các nội dung, báo cáo tại kỳ họp tiếp theo của ủy ban kiểm tra. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên thường trực hội ý thường xuyên để thống nhất ý kiến triển khai thực hiện kế hoạch, trường hợp thấy cần thiết phải xin thêm ý kiến của các thành viên khác trong ủy ban kiểm tra thì gửi email hoặc trao đổi bằng điện thoại .

5. Các báo cáo và văn bản có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo do ủy ban kiểm tra ban hành được gửi tới Chủ tịch, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty để báo cáo; tới các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra để biết và thực hiện.

Điều 12: Mối quan hệ của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty

1. Mối quan hệ với Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn:

- Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Hàng năm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp với Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn. Đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật thuộc thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân thuộc công đoàn các cấp.

2. Mối quan hệ với Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty

- Ban Chấp hành quyết định nhân sự Ủy ban Kiểm tra; ra nghị quyết về công tác kiểm tra, giám sát và cụ thể hóa những quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Thông qua báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và chương trình hoạt động của ủy ban kiểm tra tại các kỳ họp của Ban Chấp hành.

- Ủy ban kiểm tra chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành trong việc thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành về công tác tổ chức, cán bộ, chương trình hoạt động của ủy ban kiểm tra.

3. Mối quan hệ với Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty

- Ban Thường vụ chỉ đạo hoạt động của ủy ban kiểm tra giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành và tạo điều kiện để ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

- Ủy ban kiểm tra giúp Ban Thường vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tài chính công đoàn cùng cấp và cấp dưới; kiểm tra các hoạt động kinh tế công đoàn (nếu có); kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết và các quy định của công đoàn.

- Ủy ban kiểm tra giúp Ban Thường vụ giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức công đoàn; tham mưu cho Ban Thường vụ tham gia với các cơ quan chức năng của Nhà nước có thẩm quyền và người sử dụng lao động giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra không là Ủy viên Ban Thường vụ thì được mời dự các hội nghị của Ban Thường vụ có nội dung liên quan đến hoạt động ủy ban kiểm tra.

4. Mối quan hệ với Văn phòng, các Ban thuộc Cơ quan Công đoàn Tổng công ty

- Văn phòng, các Ban có trách nhiệm báo cáo, giải trình và thực hiện các yêu cầu của Đoàn kiểm tra nêu ra khi Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty thực hiện kiểm tra cùng cấp.

- Tùy theo từng nội dung kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra chủ động phối hợp với các Ban trong công tác kiểm tra, giám sát công đoàn cấp dưới.

- Phối hợp với các Ban liên quan giải quyết hoặc tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến của cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động.

5. Mối quan hệ với Công đoàn cơ sở trực thuộc

- Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty tham gia với Ban Chấp hành (Ban Thường vụ) Công đoàn cơ sở trong việc chỉ đạo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở; kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy ủy ban kiểm tra; xem xét, đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở.

- Công đoàn cấp dưới chịu sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty theo những nội dung quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Công đoàn cơ sở có trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị của Đoàn kiểm tra, của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty và báo cáo kết quả thực hiện về Công đoàn Tổng công ty. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo với Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty kịp thời xem xét, giải quyết.

6. Mối quan hệ với Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở trực thuộc

- Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở trực thuộc; giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở. Kiến nghị các Công đoàn cơ sở thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ủy ban kiểm tra, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cấp dưới khi bị xâm phạm.

- Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty và thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời với Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty.

7. Mối quan hệ với các cơ quan chức năng của Nhà nước

- Ủy ban Kiểm tra làm việc với các cơ quan chức năng của Nhà nước về các nội dung liên quan đến công tác kiểm tra theo sự ủy quyền của Công đoàn Tổng công ty.

- Tham gia với các cơ quan chức năng của Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động khi có yêu cầu hoặc có văn bản thể hiện rõ quan điểm về những nội dung liên quan.

8. Mối quan hệ với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Ủy ban Kiểm tra làm việc theo Quy chế phối hợp hoạt động giữa Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị) - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam với Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

9. Mối quan hệ với chuyên môn cùng cấp các Công đoàn cơ sở

- Chuyên môn cùng cấp các Công đoàn cơ sở có trách nhiệm và tạo điều kiện cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến các nội dung kiểm tra khi đoàn kiểm tra yêu cầu.

- Thông báo kịp thời kết luận của đoàn kiểm tra cho phía chuyên môn cùng cấp Công đoàn cơ sở về những nội dung liên quan.

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty.

Điều 14: Quy chế này đã được Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khóa V thông qua tại kỳ họp lần thứ hai và có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Tổng công ty, Văn phòng, các Ban thuộc Cơ quan Công đoàn Tổng công ty, các Công đoàn cơ sở, Ủy ban Kiểm tra các Công đoàn cơ sở có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Quy chế này sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam quyết định.

Điều 15: Các Công đoàn cơ sở và ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở trực thuộc căn cứ bản Quy chế này vận dụng, xây dựng quy chế hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn cấp mình cho phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (thông qua Ủy ban Kiểm tra) xem xét, giải quyết kịp thời./.

 

                                                                                          TM/ BAN CHẤP HÀNH
                                                                                                      CHỦ TỊCH
                                                                           
 
                                                                                                           Đã ký 
 
  
                                                                                                    Lê Phan Linh